Thương hiệu có giá bao nhiêu?
Tại Việt Nam tuy việc mua bán thương hiệu không diễn ra thường xuyên nhưng cũng đã có một số hoạt động đáng chú ý như Unilever mua lại thương hiệu P/S với giá 5 triệu USD, Colgate mua lại thương hiệu Dạ Lan với giá gần 3 triệu USD…
Phát triển một thương hiệu và định vị hợp lý thương hiệu đó để chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế hiện đang là thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu rõ điều này.
Hội thảo “Phát triển và định vị thương hiệu” do VCCI tổ chức với sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp đang rất quan tâm tới vấn đề này. Một lần nữa vấn đề phát triển và định vị thương hiệu được các chuyên gia và doanh nghiệp “mổ xẻ” cũng như đánh giá việc thực hiện vấn đề này tại các doanh nghiệp Việt Nam.
Giá trị thương hiệu một doanh nghiệp là bao nhiêu? Đây là câu hỏi quan trọng mà bất cứ doanh nghiệp nào, dù lớn hay nhỏ, trước sau gì cũng sẽ quan tâm. Thương hiệu là tài sản tối quan trọng, nhất là khi doanh nghiệp cổ phần hoá, tham gia thị trường chứng khoán. Hiện nay, tại Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện Công ty luật, Công ty tư vấn chuyên cung ứng dịch vụ đánh giá thương hiệu, định giá doanh nghiệp… Tuy nhiên số lượng còn rất hạn chế, chưa chuyên nghiệp và chưa đáp ứng được nhu cầu.
Theo một chuyên gia về thương hiệu thì thương hiệu gồm 4 giá trị sau:
Thứ nhất là tài sản của một quốc gia
Thứ hai là niềm tự hào của dân tộc
Thứ ba là nguồn lực kinh tế
Cuối cùng là tài sản lớn nhất của một doanh nghiệp.
Tại Việt Nam tuy việc mua bán thương hiệu không diễn ra thường xuyên nhưng cũng đã có một số hoạt động đáng chú ý như Unilever mua lại thương hiệu P/S với giá 5 triệu USD, Colgate mua lại thương hiệu Dạ Lan với giá gần 3 triệu USD…
Lời khuyên với các doanh nghiệp là trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc xây dựng và định giá thương hiệu bởi xây dựng cho mình một thương hiệu mạnh là một quá trình lâu dài và khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng các chiến lược phát triển thương hiệu, đăng ký thương hiệu và thực hiện chiến lược maketing hỗn hợp… Trong quá trình đó, cần có một hệ thống kiểm soát những thành tựu đạt được, cũng như mục tiêu hướng tới, đó chính là hệ thống xác định giá trị thương hiệu. Đồng thời, việc xác định giá trị thương hiệu không chỉ nhằm mục đích xác định được giá trị để tiến hành các giao dịch như mua, bán thương hiệu với các đối tác bên ngoài mà còn nâng cao hiểu biết của doanh nghiệp về việc thương hiệu tạo ra giá trị như thế nào?
Các chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam sau hội nhập sẽ xuất hiện nhiều hệ thống nhượng quyền. Các chủ nhân khó tránh khỏi lúng túng, khó khăn chẳng khác nào “gà mắc tóc” trong việc định giá thương hiệu khi có nhu cầu cổ phần hoá hay góp vốn liên doanh bằng chính thương hiệu. Ngay cả thương hiệu được công nhận như tài sản vô hình chính thức cũng sẽ phát sinh nhiều khó khăn và tranh cãi khác quanh công thức, kết quả đánh giá mà doanh nghiệp sử dụng (thường mang tính chủ quan). Đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp.
Leave a Reply