Tư thế dùng điện thoại sẽ nói gì về sếp?
Amy gợi ý là hãy ngẩng đầu và thẳng vai khi nhìn vào điện thoại, ngay cả lúc phải cầm ngang với tầm mắt. Điều này giúp giảm đi dáng vẻ bị động và uyển chuyển hơn.
Khi đang làm việc cùng với nhân viên, sếp có điện thoại và… hãy hình dung cảnh sếp đi tới lui trong phòng, say sưa trao đổi qua điện thoại, huơ huơ tay trong không khí, với những động tác khi thì gập người, lúc thì ngửa ra… chắc hẳn sẽ có nhiều nụ cười “lạ” từ phía nhân viên. Hình ảnh của sếp lúc đó trông rất “vui mắt”.
Tư thế dùng điện thoại nói gì về sếp?
Câu chuyện không dừng lại ở “hình tượng”. Amy Cuddy – Giáo sư Trường Kinh doanh Harvard, người chuyên có những bài viết về ngôn ngữ hình thể – cho rằng, tư thế nghe điện thoại còn phản ánh nhiều điều khác nữa.
Có bao nhiêu người thường gập người, gập cổ lại trong khi nghe điện thoại, nhắn tin? Trung bình đầu người nặng khoảng 4 – 5kg, khi nghiêng 60o về phía trước lúc dùng điện thoại, áp lực trọng lượng sẽ đè nặng lên cổ. Vậy nên trước đây chứng đau cổ thường chỉ có ở độ tuổi già, nay lớp người trẻ hơn rất nhiều cũng thường mắc phải.
Rồi khi có tâm trạng buồn, hoặc do sợ hãi và cảm thấy thiếu quyền lực thì dáng đi của con người như chậm lại. Dáng vẻ đó rất giống với người… đang dùng điện thoại di động.
Amy cho rằng dáng điệu con người khi sử dụng điện thoại di động không chỉ phản ánh cảm xúc mà còn tạo ra cảm xúc. Bà dẫn lại một nhận định của nhóm Shwetha Nair với những người đóng vai trò người được phỏng vấn, trong đó có yêu cầu họ thể hiện ở dáng điệu hiên ngang và dáng điệu cúi gằm trong lúc phỏng vấn.
Kết quả, những người có tư thế cúi gằm khi trả lời cũng thể hiện rõ sự thất thế và lo lắng, chưa kể còn ảnh hưởng đến nội dung câu trả lời của họ. Nhóm nhận định: “Dáng ngồi thẳng đứng là một chiến lược đơn giản về hành vi để giúp giảm căng thẳng”.
Bà cho biết thêm rằng tư thế cúi gằm còn ảnh hưởng đến cả ký ức. Trong một nghiên cứu khác do bà thực hiện, người trả lời đã nhầm lẫn khi sử dụng ngôn ngữ tích cực và tiêu cực, sau đó chính họ xác nhận có những nhầm lẫn không cố ý này.
Vậy tư thế cúi gập người lại khi nghe điện thoại ảnh hưởng ra sao đến cảm nhận và hành vi con người?
Để trả lời câu hỏi này, Amy tiến hành một nghiên cứu, phân chia ngẫu nhiên người tham dự để tương tác trong 5 phút với một trong bốn thiết bị điện tử khác nhau về kích thước: điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop và máy tính để bàn.
Quan sát cho thấy kích thước của thiết bị có ảnh hưởng đáng kể đến sự thoải mái của con người, gây ra tư thế cúi gập người khi dùng điện thoại, làm giảm sự quyết đoán. Có sự tương quan giữa kích thước thiết bị và mức độ gây ảnh hưởng: thiết bị càng nhỏ, càng phải thu mình lại khi dùng thiết bị, thể hiện sự bị động càng lớn.
Điều đáng nói là trong lúc con người mỗi ngày tương tác với các thiết bị này là để nâng cao năng suất và hiệu quả công việc, thì cũng chính việc đó có thể tạo ra điều ngược lại – làm giảm sự quyết đoán và giảm năng suất do dùng sai cách.
Có cách nào giảm được những ảnh hưởng này không?
Amy gợi ý là hãy ngẩng đầu và thẳng vai khi nhìn vào điện thoại, ngay cả lúc phải cầm ngang với tầm mắt. Điều này giúp giảm đi dáng vẻ bị động và uyển chuyển hơn.
Cuối cùng, khi dùng điện thoại, luôn nhớ là nó có thể tạo hình ảnh cúi gập người xuống và bộ dạng đó, nếu là của người quản lý trước mắt nhân viên mình, thì không “phong độ” chút nào. Chưa kể dáng điệu đó còn thực sự làm thay đổi sắc thái, ký ức và ngay cả hành vi nữa. Vậy thì, còn chần chờ gì nữa, khi sử dụng điện thoại, hãy thẳng lưng lên, sếp!
Leave a Reply