5 thái độ chứng minh năng lực của người lãnh đạo
Trong nhiều công ty, mọi người thường quá tập trung vào sản phẩm của mình mà không ai nhìn vào đối thủ cạnh tranh xem sản phẩm của họ có tốt hơn và tốn ít chi phí hơn không.
Joseph Folkman từng nghiên cứu hồ sơ của 30 nhà lãnh đạo tiềm năng nhất trong một công ty công nghệ có tổng cộng hơn 60.000 nhân viên. Quá trình nghiên cứu được dựa trên sự đánh giá của cấp trên, đồng nghiệp, những người phản hồi trực tiếp về nhà lãnh đạo và thông qua phần trả lời của họ đối với nhiều câu hỏi phản ánh thái độ.
5 thái độ chứng minh năng lực lãnh đạo
Theo Joseph Folkman, dưới đây là 5 thái độ chứng minh năng lực lãnh đạo của một người và có tác động lớn đến hiệu quả làm việc của họ:
1. Cho người khác biết khi không đồng tình
Ở giai đoạn cách đây 20 năm, các công ty/tổ chức muốn thuê những người luôn nói “Có”. Họ muốn nhân viên chỉ làm đúng những gì được yêu cầu và đừng bao giờ đặt câu hỏi.
Tuy nhiên theo thời gian, hầu hết những nhà lãnh đạo cấp cao của mọi công ty đều thấy được rằng, những ý kiến mang màu sắc cá nhân là tài sản có giá trị. Cần phải có một sự can đảm nhất định để nói “Không” với ý kiến của người khác và cần nhiều sự can đảm hơn để nói “Không” với ý kiến của sếp. Vì vậy, những người dám nói lên suy nghĩ của mình sẽ được đánh giá cao.
2. Sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn người khác
Những người có tiềm năng lãnh đạo luôn có một khao khát mạnh mẽ là tạo ra giá trị và sự khác biệt, mà mong muốn tạo ra sự khác biệt trong một tổ chức đồng nghĩa với việc họ phải chấp nhận rủi ro.
Nhiều người thường tránh né rủi ro bằng mọi giá. Họ giống như những người vào công viên nước nhưng chỉ nằm ườn ra trên “dòng sông lười”. Họ thả trôi mình theo dòng chảy và không muốn nỗ lực để đi ngược dòng.
3. Dễ dàng kết bạn
Nhà lãnh đạo là người có khả năng tạo ảnh hưởng với người khác. Rất khó để tạo ra sự ảnh hưởng với một người vốn không biết bạn là ai. Vì vậy, kết bạn và xây dựng quan hệ là kỹ năng rất quan trọng với tất cả nhà lãnh đạo.
Hầu hết nhân viên đều làm việc cho những người có mối quan hệ tốt với mình và vì vậy, họ không nề hà đối với những nhiệm vụ khó khăn. “Tôi không muốn làm anh/cô ấy thất vọng” là câu nói chỉ có thể được họ thốt lên khi giữa họ và sếp có một mối quan hệ tích cực.
4. Xem xét kỹ toàn bộ dữ kiện trước khi ra quyết định
Phần lớn những quyết định sai lầm của chúng ta đến từ việc không xem xét đúng mức tất cả dữ kiện trước khi nghĩ đến việc nắm bắt một cơ hội mới. Chính vì thế, những người có khả năng xem xét, cân nhắc tình hình thực tế và lường trước hậu quả trước khi thực hiện một lựa chọn luôn được đánh giá cao.
5. Có tầm nhìn chiến lược và tập trung vào tương lai
Trong nhiều công ty, mọi người thường quá tập trung vào sản phẩm của mình mà không ai nhìn vào đối thủ cạnh tranh xem sản phẩm của họ có tốt hơn và tốn ít chi phí hơn không.
Trên thực tế, chúng ta rất dễ bị cuốn vào guồng quay của những công việc mặc định và không có thời gian dừng lại để tự hỏi “Tại sao tôi làm việc này? Nó có thật sự quan trọng?”, trong khi đây lại là một kỹ năng rất cần thiết để nâng cao hiệu quả công việc.
Leave a Reply